image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Di tích – Danh thắng - Danh nhân

5. Di tích – Danh thắng

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA QUỐC GIA

5.1 Căn cứ xứ ủy và Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ (1946-1949), xã Nhơn Hòa Lập

Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ với tổng diện tích quy hoạch là 164.882 m2, nằm toạ lạc tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Là một trong ba căn cứ địa quan trọng nhất của cách mạng miền Nam trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Nơi đây ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, những nhà chính trị và những nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử cách mạng Việt Nam: Tôn Đức Thắng, Lê Duẫn, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Bình, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Trà,..

Di tích còn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng miền Nam trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của Đảng bộ, quân đội và nhân dân Nam Bộ trong quá trình chống giặc ngoại xâm.

IMG_5350.JPG

Có nhiều điểm di tích gốc nằm trong một khu vực. Tuy nhiên, các ngành, các cấp chỉ chọn 08 điểm di tích gốc tiêu biểu nhất để khoanh vùng bảo vệ và phát huy, trong đó có 05 điểm nằm gần nhau gồm: Xứ ủy và nơi làm việc của đồng chí Lê Duẩn, Sở Tài chính Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Khu 8, Sở Công An Nam bộ, Nơi ở của đồng chí Lê Duẫn; 03 điểm di tích gốc không nằm gần nhau gồm: Văn phòng Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, Phòng Bào chế Dược-Sở Y tế Nam Bộ, Nhà in Nam Bộ.

Trước kia trong kháng chiến, các cơ quan Đảng, chính quyền, quân đội…đóng trong nhà dân để hoạt động chủ yếu, các căn nhà xây dựng với quy mô đơn giản, vật liệu nhẹ, dễ di chuyển thì ngày nay địa điểm đó là những ngôi nhà được xây dựng kiên cố hoặc là những mảnh vườn, thửa ruộng của họ.

Hiện nay, các di tích gốc quan trọng này đã thay đổi về kiến trúc và cảnh quan. Tuy nhiên, chứng tích về những ngày tháng đấu tranh ác liệt vẫn còn in đậm trong tâm khảm những người tham gia kháng chiến.

Để kỷ niệm những sự kiện trọng đại xảy ra trong di tích, thời gian qua Huyện ủy-UBND huyện Tân Thạnh, Long An đã phối hợp cùng các ngành Tỉnh, Ban liên lạc truyền thống đã tiến hành xây dựng 04 bia kỷ niệm ở 02 xã: Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh Đông và UBND Thị trấn Tân Thạnh.

IMG_5353.JPG

Bia kỷ niệm căn cứ Dương Văn Dương, xây dựng năm 1981, cạnh Tỉnh lộ 837, nằm phía trước nhà Má Tám (Võ Thị Thay). Bia cao 1,8m được đặt trên tam cấp, thân bia vuông mỗi chiều 1,2m, bên ngoài viền đá rửa, trên khắc dòng chữ "Bia truyền thống".

Bia kỷ niệm Điện ảnh Nam Bộ: xây dựng cách di tích gốc xã Nhơn Ninh khoảng 10km về hướng Tây Nam. Vào năm 1997, được Hội nhiếp ảnh TP.HCM cùng chính quyền địa phương cho xây dựng bia tại Thị trấn Tân Thạnh. Đến năm 2007, bia đã xuống cấp hư hỏng được huyện cải tạo xây dựng sân đa năng Trung tâm Văn hóa-Thể thao.

Bia kỷ niệm Phòng Bào chế-Sở Y tế Nam Bộ (1946-1948) được xây dựng tại UBND xã Nhơn Hòa Lập, cách di tích gốc khoảng 1km về hướng Đông Bia được xây dựng bằng bê tông cốt thép cao 2,3m, được đặt trên tam cấp, mỗi bậc cao 20em, rộng 4m được tô bằng đá mài.

Bia kỷ niệm Đài phát thanh Nam Bộ: được xây dựng 1992 nhằm kỷ niệm sự kiện Đài phát thanh Nam Bộ phát sóng buổi đầu tiên tại bờ kinh Quận, xã Hậu Thạnh Đông, cách di tích gốc khoảng 800m về hướng Bắc. Bia được xây dựng bằng nền xi măng cốt thép. Bia cao 1,9m, dài 1,2m, văn bia được khắc trên mặt cẩm thạch.

Với những giá trị lịch sử to lớn trên, di tích "Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ" (1946-1949) xứng đáng được bảo vệ, phục hồi, tôn tạo nhằm phát huy truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời nơi đây sẽ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước.

2.png

 

Ngày 26/5/2011, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị thông qua quy hoạch chi tiết Khu di tích Căn cứ xứ ủy Nam Kỳ, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ do Chủ tịch UBND tỉnh -Dương Quốc Xuân chủ trì. Tham dự hội nghị có Chủ tịch UBMTTQ tỉnh-Võ Lê Tuấn, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và đại diện lãnh đạo UBND huyện Tân Thạnh.

Đến ngày 03/8/2007, Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành Quyết định số 42/2007/QĐ-BVHTT Về việc xếp hạng di tích quốc gia: Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh kháng chiến Nam Bộ (1946-1949) xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, Long An.

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH

5.2 Di tích lịch sử-văn hóa "Gò Giồng Dung", xã Hậu Thạnh Tây.

Từ Thành phố Tân An, theo Quốc lộ 62 đi 45 km đến thị trấn Tân Thạnh, theo Tỉnh lộ 837 về hướng tây khoảng 23 km đến UBND xã Hậu Thạnh Tây, tiếp tục  đi khoảng 5 km vào ngã Tư 7 Thướt là đến khu di tích.

"Gò Giồng Dung" nơi đặt Đồn tả, là 1 trong 4 đồn lũy lớn nhất trong phong trào kháng Pháp của ông Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) trên Đồng Tháp (1864-1866)

3.jpg

 

Thiên hộ Võ Duy Dương

 Chiều chiều mây giục gió vần

Cảm thương Thiên Hộ xả thân cứu đời!

 

Thiên Hộ Dương tên thật Võ Duy Dương (1827-1898) là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân ở thôn Cù Lâm Nam, thuộc phủ Tuy Viễn, trấn Bình Định (nay là thôn Nam Tượng, xã  Nhơn Tân, huyện An Nhơn, Bình Định), em ruột của anh hùng chống Pháp Võ Duy Tân, người đã cùng Mai Xuân Thưởng, Võ Trứ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bình Định. Ông rất khỏe mạnh và giỏi võ nghệ, được bà con tôn là Ngũ Linh Dương.

Năm 1857, gặp lúc gia đình, làng xóm lâm vào cảnh đói nghèo vì nạn bóc lột, bao chiếm ruộng đất của bọn quan lại, ông cùng một số bạn bè hưởng ứng chính sách khai hoang của Nguyễn Tri Phương, vượt biển vào Nam để tìm chỗ chiêu dân, khai hoang lập ấp.

Từ năm 1859-1865, ông cùng lực lượng nghĩa quân chiến đấu đánh Pháp gây cho giặc một số thiệt hại đáng kể. Đến năm 1898, ông bị giặc bắt chém tại  Gò Chàm (Bình Định).

Gò Giồng Dung-chứng tích cuộc kháng chiến chống Pháp của Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương). Tại đây, ông đã trực tiếp chỉ huy, đốc xuất bố phòng quyết tử chiến để bảo vệ trung tâm Gò Thấp.

Ngày nay, tuy không còn dấu tích của Đồn tả, nhưng nơi đây mãi mãi đi vào lịch sử gắn liền tên tuổi và sự nghiệp chống giặc giữ nước của Võ Duy Dương với căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười, một trong những phong trào võ trang kháng Pháp tiêu biểu nhất ở Nam Kỳ nửa cuối thế kỷ 19.

Để tưởng nhớ người anh hùng có công giữ nước, ngày nay nhân dân đã xây dựng đền thờ tưởng niệm, hàng năm có đến hàng chục nghìn người đến kính bái.

Năm 1995, Di tích lịch sử-văn hóa "Gò Giồng Dung" đã được UBND tỉnh Long An đăng ký bảo vệ di tích tại Quyết định số 5167/QĐ.UB ngày 9/10/1995.

5.3 Di tích Lịch sử Đồng 41

Là địa điểm ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ và Chư hầu đã thảm sát 41 đồng bào vô tội ở Tân Hòa ngày 27/6/1967 (Ấp Tây, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.

*Tên gọi Di tích

Đồng 41 là tên một cánh đồng nhỏ, nằm cạnh Kênh Hai Hạt thuộc ấp Tây, xã Tân Hòa, có chiều ngang ước chừng 300m, chiều dài khoảng 3 km về hướng kênh Nguyễn Văn Tiếp.

Trên cánh đồng này, ngày 27/6/1967 để thỏa mãn sự căm tức đê hèn sau một trận càn thất bại thảm hại lính chư hầu Pắc-Chung-Hi dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ đã thảm sát dã man 41 đồng bào vô tội của hai xã Tân Hòa và xã Hậu Mỹ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), đa số là phụ nữ và trẻ em trong đó có cả phụ nữ có thai.

Từ sau sự kiện bi thương ấy, cánh đồng nhỏ mà trước đây chưa hề có tên gọi cụ thể đã đi vào lịch sử với cái tên "Đồng 41" như muôn đời khắc sâu vào tiềm thức và nhắc nhớ cho bao thế hệ nơi đây về tội ác mà đế quốc Mỹ đã gieo rắc trên quê hương Tân Hòa.

*Địa điểm phân bố

"Đồng 41" tọa lạc tại ấp Tây, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, nằm về hướng Tây Thành phố Tân An, tỉnh Long An, cách Thành phố Tân An khoảng 50 km.

IMG_5518.JPG

*Đường đi đến di tích

Theo tuyến đường kênh là thuận tiện nhất, từ thành phố Tân An theo tỉnh lộ 29 đi 45 km là đến thị trấn Tân Thạnh. Từ đây, theo đường Kênh 12 đi khoảng 8 km đến ngã ba Kênh 12, đường nước Tân Hòa, theo đường nước Tân Hòa đi khoảng 4 km là đến UBND xã Tân Hòa, tiếp theo đường này đi khoảng 2 km gặp ngã ba Kênh Cà Nhíp rẽ trái đi tiếp 2 km đến ngã Năm rẽ vào Kênh Hai Hạt, đi khoảng 500 m là đến Đồng 41.

*Sự kiện và nhân vật lịch sử

Trong kháng chiến chống Mỹ, theo chủ trương của cấp trên, Chi bộ xã Tân Hòa do đồng chí Trần Văn Tấn làm Bí thư đã vận động nhân dân quyết tâm bám đất, bám làng sản xuất lương thực nuôi quân chiến đấu nên phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ, do đó đã làm cho địch hết sức bối rối trong việc thực hiện chính sách bình định ở nơi này.

Năm 1967, sau những lần thất bại trước quân dân ta, địch đã mở một cuộc tập kích vào xã Hậu Mỹ (huyện Cái Bè-tỉnh Tiền Giang) nhằm đánh bại cách mạng ra khỏi vùng nông thôn. Vào ngày 27/6/1967, đế quốc Mỹ và đội quân chư hầu đã thực hiện hành động trả thù lực lượng vũ trang địa phương bằng cách nhắm vào những người dân vô tội. Chúng đã xả súng giết chết  41 người, trong đó có 21 người của xã Tân Hòa, 03 người xã Nhơn Ninh và 17 người xã Hậu Mỹ (huyện Cái Bè- Tiền Giang). Phần lớn người bị giết là phụ nữ và trẻ em, có cả phụ nữ mang thai.

*Khảo tả di tích

Trước đây chưa xảy ra sự kiện thảm sát, cánh đồng này như bao cánh đồng khác không có 1 cái tên gọi cụ thể. Sau sự kiện thảm sát, mọi người hình dung Đồng 41 có bề ngang khoảng 300m, dài khoảng 3km đổ về hướng kênh Nguyễn Văn Tiếp.

Năm 1994, Sở LĐTBXH cùng UBND huyện xây dựng bia căm thù để tưởng niệm những người đã bị thảm sát. Bia có 03 phần: nền bia, thân bia và nhà bia.

*Hiện vật trong di tích

Kỷ vật đến nay hầu như không còn. Tuy vậy, hai người còn sống trong vụ thảm sát là bà Du Thị Đông và ông Nguyễn Văn Tâu là nhân chứng lịch sử sống trong việc tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ.

*Gía trị lịch sử và phương án phát huy tác dụng

Di tích là địa điểm ghi dấu vụ thảm sát, bằng chứng hùng hồn mang giá trị tố cáo chiến tranh phi nghĩa, khẳng định ý chí khát vọng tự do và hòa bình của dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước của người nông dân Việt Nam trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm.

Hàng năm vào ngày 27/7, địa phương tổ chức kỷ niệm thắp hương và ôn lại truyền thống.

*Căn cứ pháp lý

Ngày 09/10/1995, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 5167/QĐ-UBND Về việc đăng ký bảo vệ di tích lịch sử "Đồng 41".

5.4 Di tích lịch sử "Khu vực Kinh Bùi"

4.png

 

Là nơi ghi dấu chiến thắng của Tiểu đoàn 309 trong trận đánh ngày 24/6/1953.

*Tên gọi di tích

Kinh Bùi là tên một con kinh cắt ngang kênh Năm Ngàn, thuộc huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, nối dài giáp huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp.

*Địa điểm phân bố và đường đến di tích

Khu vực Kinh Bùi hiện nay tọa lạc tại 02 xã Tân Ninh và Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Du khách có thể đến khu di tích bằng 02 đường thủy và bộ:

Đường bộ: Từ Thành phố Tân An (Long An) đi theo Quốc lộ 62 khoảng 45 km đến thị trấn Tân Thạnh, tiếp tục  đi đường tỉnh 837 khoảng 11 km gặp Cầu Bằng Lăng, rồi rẽ trái theo lộ Bằng Lăng khoảng 05 km thì đến khu vực của di tích.

Đường thủy: Từ Thành phố Tân An ngược dòng Vàm Cỏ Tây về phía thượng lưu gặp Vàm kinh Dương Văn Dương ngay thị trấn Thạnh Hóa, rẽ trái theo kinh Dương Văn Dương khoảng 15 km đến thị trấn Tân Thạnh. Tại thị trấn Tân Thạnh tiếp tục đi xuôi trên kinh Cà Nhíp khoảng 05 km tới gặp Ngã 5 đường Năm Ngàn, xuôi theo kinh Năm Ngàn khoảng 19 km là đến khu di tích.

*Sự kiện và nhân vật lịch sử

Tại khu vực này vào ngày 24/6/1953, Tiểu đoàn 309 phối hợp với du kích xã Tân Ninh, Nhơn Ninh bố trí đánh tan trận càn quét của giặc từ Chi khu Mỹ Tho vào Đồng Tháp Mười.

-Kết quả của trận Kinh Bùi ngày 24/6/1953

Trận chiến diễn ra hơn 40 phút là kết thúc, ta tiêu diệt trên 100 tên địch, bắt sống 42 tên (trong đó có đại úy Bền-chỉ huy cánh quân này và thiếu úy Sáu- chỉ huy Commandos Cái Bè), thu trên 100 khẩu súng (12 trung liên) và nhiều quân trang, quân dụng…

Chiến thắng Kinh Bùi làm nức lòng quân dân ta. Thắng trận này Tiểu đoàn 309 vinh dự được tặng thưởng Huân chương huân công hạng 03.

Phát huy chiến thắng Kinh Bùi, Tiểu đoàn 309 liên tục hành quân đánh sâu vào những vùng địch chiếm, tạo nên nhiều chiến thắng lớn mở rộng vùng giải phóng khiến cho tinh thần địch ở các đồn bót thêm hoang mang, sa sút.

-Vài nét về Tiểu đoàn 309

Tiểu đoàn 309 được Bộ Tư lệnh Khu 8 thành lập vào ngày 23/9/1949 bên bờ kinh Hầm Vồ (gần Cầu Ván) thuộc xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang ngày nay). Biên chế của Tiểu đoàn có 04 đại đội: 939, 940, 941 và Tiểu đoàn bộ 942. Quân số của Tiểu đoàn mới thành lập là 672 người. Vũ khí trang bị là những chiến lợi phẩm thu được sau những trận đánh với địch:súng trường, đại liên, trung liên, riêng mã tấu tiểu đội nào cũng có.

Sự ra đời của Tiểu đoàn 309 là chủ trương sáng suốt của Bộ Tư lệnh khu 8. Tiểu đoàn vừa chiến đấu vừa sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng là anh bộ đội cụ Hồ. Trận đánh thắng Kinh Bùi của Tiểu đoàn 309 đã đi vào lịch sử chiến thắng của quân đội ta trong chín năm kháng Pháp.

*Khảo tả di tích

Địa điểm dựng bia là xã Tân Ninh, ngay ngã tư kinh Bằng Lăng dẫn về kinh Bùi. Bia được xây dựng bằng bê tông cốt thép, diện tích xây dựng 4m2 (2m x 2m). Chiều cao bia 2,30m, chân bia có 03 bậc tam cấp, mỗi bậc cao 20 cm được tô bằng đá mài, mặt bia bằng đá cẩm thạch, ngang 0,55m cao 01m.

Hướng ra phía Bắc mặt bia được khắc dòng chữ: Bia kỷ niệm chiến thắng trận Kinh Bùi.

Hướng ra phía Nam, mặt bia được khắc dòng chữ: Ký sử trận chiến thắng Kinh Bùi.

*Hiện vật của di tích

Những hiện vật liên quan đến sự kiện như: chiến lợi phẩm, súng ống, quân trang,… đã thất lạc theo thời gian. Việc lưu truyền trong nhân dân là những câu chuyện kể hay trang sử viết của cán bộ hưu trí tham gia trong trận chiến.

*Gía trị lịch sử

Di tích lịch sử "Khu vực Kinh Bùi" là nơi ghi nhận những đóng góp lớn lao của người dân Đồng Tháp Mười kiên trung với cách mạng, gắn bó sống chết trong kháng chiến. Vì vậy, huyện rất quan tâm bảo vệ, tôn tạo để phát huy giáo dục thế hệ trẻ tại địa phương.

*Căn cứ pháp lý

Năm 1995, Di tích lịch sử "Khu vực Kinh Bùi" đã được UBND tỉnh Long An đăng ký bảo vệ di tích tại Quyết định số 5167/QĐ.UB ngày 9/10/1995.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh