image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Truyền thống văn hóa

4.1 Nghề truyền thống:

PHỤ NỮ HUYỆN TÂN THẠNH  DUY TRÌ

VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Tân Thạnh là một trong những huyện vùng sâu của vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. Hàng năm, phải chịu ảnh hưởng nặng nề của mùa nước nổi, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ, lại phải thường xuyên chịu cảnh "trúng mùa rớt giá" và thời tiết, khí hậu, dịch bệnh, giá cả thị trường không ổn định…nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là vào mùa nước nổi một số lao động nam làm nghề giăng câu, lưới, một số ít lao động nữ làm nghề đan giỏ nhựa, may gia công, móc len…còn lại đa số là chưa có việc làm ổn định.

Từ thực trạng trên, Ban chấp hành Hội LHPN huyện phối hợp với các ngành chức năng và chỉ đạo các cơ sở Hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động lao động nữ nông thôn tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ. Bên cạnh việc đào tạo các nghề như: may gia công, đam giỏ nhựa, móc len, kết cườm…các Hội cơ sở còn vận động phụ nữ tái tạo lại các ngành, nghề truyền thống của địa phương như chằm nón lá, đan đệm…được các địa phương trong huyện thực hiện tốt. Nhất là nghề đan đệm hiện nay được chị em duy trì và phát triển. Qua báo cáo của các Hội cơ sở hiện nay toàn huyện có trên 340 hộ duy trì nghề đan đệm. 

1.jpg

 

Theo chân chị Nguyễn Thị Đông Hà-chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Hòa lập, chúng tôi đến nhà Chị Nguyễn Thị Bông ở ấp Huỳnh Tịnh xã Nhơn Hòa lập cho biết: Chị làm nghề đan đệm là do truyền thống của gia đình, từ bà ngoại và mẹ để lại, mỗi ngày chị vừa làm công việc của gia đình, vừa đan đệm cũng thu nhập được khoảng 40.000đồng, nếu đan xuyên suốt thì thu nhập cao hơn; còn chị Đinh Thị Nhạn ở khu phố 4-thị trấn Tân Thạnh tâm sự: gia đình chị ở ngoại ô Thị Trấn, ngoài việc sản xuất 2 vụ lúa trong năm, thời gian rảnh rỗi cũng không có việc gì làm nên duy trì lại nghề đan đệm bỏ mối cho các tiệm tạp hóa ngoài chợ và nhận đan cho bà con trong xóm, một tháng thu nhập từ 2 triệu đến 3 triệu đồng (tùy vào số đặt hàng của các tiệm).

Từ hiệu quả trên, có thể khẳng định rằng việc duy trì và phát triển ngành, nghề truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết vấn đề lao động-việc làm ở nông thôn, giúp lao động nữ tạo thêm thu nhập, nâng cao mức sống, vị thế người phụ nữ trong gia đình, nhất là vào thời gian nông nhàn và mùa nước nổi. Các cấp Hội LHPN trong huyện tiếp tục vận động chị em duy trì và phát triển nghề này mạnh hơn trong những năm tiếp theo.

4.2 Văn hóa ẩm thực

ẨM THỰC

Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An nói chung và huyện Tân Thạnh nói riêng được thiên nhiên ưu đãi vùng đất bạt ngàn cùng với phù sa do những con nước mang về bồi đắp vào những mùa lũ lụt hàng năm với nhiều loài thủy sản nước ngọt, động vật như các loại cá, rắn, lươn, chuột, ếch…. Từ các loại thủy sản trên, nhân dân đã chế biến ra rất nhiều món ăn mang đậm tính sáng tạo trong văn hóa ẩm thực của người dân vùng sông nước.

4.2.1. Món cá lóc nướng trui

Thịt cá lóc có thể chế biến ra nhiều món: canh chua, cá lóc kho tộ, làm món khô để biếu trong những ngày lễ, tết …nhưng ngon hơn vẫn là món cá lóc nướng trui. Đây là món ăn đặc trưng gắn liền với tính dân dã của những người dân miền sông nước. Để thực hiện món cá Lóc nướng trui cũng không cần phải qua các bước phức tạp, sau khi cá được rửa sạch rồi xuyên cá vào một cái cây được vuốt nhọn phần đầu sau đó cấm cá từ miệng tới đuôi .Tiếp theo, cá sẽ được vùi vào những đống rơm khô, hoặc được cắm xuống đất, phủ rơm lên, đốt lửa, cho đến khi tro tàn. Sau khi cá chín, người chế biến sẽ rút cá ra khỏi cây, cạo sạch những phần bị cháy, cạo cả lớp vảy trên thân cá còn lại sẽ là phần thịt cá trắng tinh, thịt cá ăn rất thơm và ngọt. Bạn nên ăn kèm cá Lóc nướng trui với muối ớt, để cảm nhận được những mùi vị khác nhau: vị cay của ớt, vị mặn của muối và vị ngọt của cá Lóc tươi ngon, cộng với  mùi thơm của cá vừa được nướng rơm xong. Bạn có thể dùng cá để cuốn rau sống, báng tráng, hoặc gói cá bằng lá sen non chấm nước mắm me, ăn nghe chát chát, nhưng rất ngon và đậm đà hương vị đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười, mỗi cách sẽ đem lại cho bạn những cảm nhận khác nhau.

4.2.2. Các món ngon từ thịt chuột

Huyện Tân Thạnh có hệ sinh thái rừng tràm rậm rạp và những cánh đồng lúa bát ngát đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loài động vật bò sát trú ngụ: rắn, lươn, ếch, chuột,…chính những loài động vật tự nhiên đó đã tạo ra những món ngon đặc trưng vùng Tân Thạnh.

Chuột có ở nhiều nơi nhưng ngon nhất vẫn là chuột Đồng Tháp Mười vì mỗi khi mùa nước nổi đến nguồn thức ăn phong phú nên thịt chuột rất mập và mềm. Thịt chuột có thể chế biến thành rất nhiều món: muối sả chiên, xào lá cách, nhân bánh xèo kết hợp với măng, khìa nước dừa, xào rau răm, kho, rô ti, xào lăn, nướng, quay lu, làm khô … Đặc tính của thịt chuột là nhão như các loại thịt thỏ, thịt mèo, thịt dê. Vì vậy để chế biến thịt chuột được ngon là sau khi làm và rửa sạch phải để cho thịt thật ráo, rỏ hết nước, thịt săn rồi mới ướp gia vị và chiên hoặc nấu liền, nếu để lâu quá thịt có thể bị bủng, không dai, không ngon bằng thịt săn, mới làm. 

4.2.3. Các món ăn được chế biến từ cá linh

Mùa nước nổi, mùa bông điên điển nở vàng khắp cánh đồng, đó cũng là mùa cá linh về. Thiên nhiên chỉ ban tặng riêng cho vùng ĐBSCL loài cá đặc sản này, mỗi năm chỉ có một mùa duy nhất.

Cá linh ngon không chỉ mùi vị độc đáo, thịt ngọt, mềm thơm mà còn do nguồn gốc xuất xứ đặc biệt của nó. Cá linh sống ở vùng châu thổ sông Mekong, đến mùa nước nổi lại về với vùng Đồng Tháp Mười. Con cá linh đã in sâu trong ký ức của mỗi người dân vùng sông nước Đồng Tháp Mười là nguồn dinh dưỡng gắn liền với nhiều bữa cơm trong gia đình người dân Tân Thạnh mỗi khi mùa nước nổi về. Cá linh đầu mùa còn gọi là cá linh non, con nhỏ nhưng rất mềm và ngọt, nhai luôn cả xương. Cá linh được chế biến thành nhiều món ăn ngon đậm đà hương vị quê hương: lẩu mắm cá linh, canh chua cá linh nấu với bông điển điển, cá linh nhúng giấm, cá linh kho lạt kèm với me non, cá linh chiên bột, …với món cá linh hấp, cá linh chiên giòn cuốn bánh tráng là món ăn được chế biến thật đơn giản nhưng mang lại cho thực khách khẩu vị khó quên: cá linh được mổ lấy ruột bỏ, không cần đánh vẩy, không bỏ đầu và chỉ cần ngâm nước muối cho sạch nhớt. Sau đó, ướp cá với gia vị phù hợp rồi đặt cá vào nồi hấp cách thủy, lửa liu riu đến khi nước vừa cạn, cá chín, đem cá ra dĩa, cuốn bánh tráng, rau sống, chấm với nước mắm tỏi ớt hoặc mắm nêm. Cá linh chiên cuốn với bánh tráng hay lá sen non, chấm mắm me ăn kèm với các loại rau như bông súng, hẹ, các loại rau thiên nhiên khác… Ăn cá linh sau khi chiên sẽ rất dòn có vị rất riêng khiến người ăn thật khó quên. Ngoài ra, món cá linh non nấu me non chấm bông điên điển cũng là món ăn đặc trưng mang đậm sắc thái của người dân Nam bộ.

4.2.4. Chế biến món ngon từ rắn

Vào mùa nước nổi ngoài các loài động vật: cá, ếch, chuột,… rắn cũng xuất hiện ở huyện Tân Thạnh rất nhiều với chủng loại đa dạng: rắn nước, rắn hổ hành, rắn bông súng, rắn trun, rắn ri voi, rắn di cá. Rắn có thể chế biến thành nhiều món ngon: rắn nấu cháo, rắn nướng, rắn xào lăn, dồi rắn,…Người ta thường nấu cháo rắn với đậu xanh ăn có tác dụng bổ, mát.

          * Rắn nấu cháo đậu xanh:

Đầu tiên làm sạch thịt rắn sau đó để cho ráo sau đó chặt thành tứng khúc hoặc để nguyên con, khi thịt chín rồi mới chặt nhỏ ra hay xé thịt.

Nấu một nồi nước, bỏ đậu xanh nấu cho mềm. Sau đó cho rắn vào nấu, nêm gia vị cho vừa ăn. 

 Khi thịt rắn chín, vớt ra, xé nhỏ rồi thả thịt vào lại nồi cháo. Để lửa riu riu để giữ cho nồi cháo có độ nóng vừa phải, khi ăn thì múc ra chén, thêm tiêu, hành, gừng.

Món cháo rắn nấu đậu xanh có mùi thơm của thịt rắn và đậu xanh, cộng thêm vị béo từ mỡ và vị ngọt từ thịt rắn thật tuyệt vời.

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh