Hiệu quả từ câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế”
Trong đó, có câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế” hoạt động ngày càng hiệu quả. Đây là nơi sinh hoạt, trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ vốn… giúp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế.
Nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh và tạo mối liên kết phát triển về kinh tế giữa đoàn viên, thanh niên có ý chí vươn lên làm giàu. Huyện đoàn thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp thanh niên trực thuộc Huyện đoàn vào tháng 7 năm 2023. Câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế” với 14 thành viên, trong đó Ban Chủ nhiệm gồm 03 đồng chí, từ ngày thành lập đến nay CLB tổ chức sinh hoạt lệ kỳ hàng tháng tại nhà các thành viên, đến nay đã sinh hoạt được 11 lần, có 154 lượt thành viên tham gia. CLB chia sẽ nhiều mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, chia sẽ kinh nghiệm lập nghiệp cho nhau. Thiết nghĩ đây là một cách làm hay, sáng tạo, trở thành điểm sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế” với 14 thành viên
Nổi bật đầu tàu Câu lạc bộ vẫn là Ban chủ nhiệm, anh Bùi Văn Song, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Chủ nhiệm HTX sản xuất nông nghiệp Tân Thịnh, một trong những HTX hoạt động có hiệu quả của huyện, được biết đến với sự năng động, linh hoạt trong kinh doanh và với Mô hình kinh doanh Gạo gắng với chuỗi giá trị của anh đã xây dựng nên thương hiệu gạo đầu tiên và chất lượng của huyện nhà thương hiệu gạo sạch Tân Thạnh ST25. Cũng là 1 trong những sản phẩm nằm trong nhóm sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Theo anh Bùi Văn Song, Chủ nhiệm HTX Tân Thịnh cho biết, năm 2019 HTX được thành lập với mục tiêu sản xuất và cung cấp lúa giống, lúa hàng hóa và gạo sạch cho bà con nhân dân địa phương. Năm 2022, HTX bắt đầu xây dựng thương hiệu gạo sạch Tân Thạnh ST25 theo hướng hữu cơ với diện tích sản xuất ban đầu là 5ha. Nói về việc tham gia chương trình OCOP, anh Song cho hay: HTX được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, chương trình còn hỗ trợ cho HTX một máy xay xát, tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, HTX còn được tham dự các chương trình xúc tiến thương mại do các Sở, ngành của tỉnh tổ chức. Qua đó, sản phẩm gạo sạch Tân Thạnh ST25 đã được người tiêu dùng trong tỉnh và tại TP.HCM biết đến. Sản lượng gạo sạch được tiêu thụ hàng năm đạt trên 30 tấn với doanh thu khoảng 750 triệu đồng.
Định hướng phát triển sản phẩm gạo sạch trong thời gian tới, anh Song cho biết sẽ tích cực tìm kiếm thị trường mở rộng kênh tiêu thụ. Trên đà đã có, năm nay HTX quyết định mở rộng diện tích sản xuất gạo sạch lên 10ha. Anh cho rằng, thế mạnh của địa phương là cây lúa, nếu thị trường gạo sạch khả quan thì cơ hội để chuyển đổi sản xuất từ sản phẩm truyền thống sang sản phẩm sạch, hướng hữu cơ còn rất nhiều. Khởi nghiệp rất khó càng khó hơn với tuổi trẻ, hiểu được khó khăn đó việc thành lập CLB khởi nghiệp thanh niên là việc làm đúng để giúp các bạn trẻ có hành trang khởi nghiệp hiệu quả. Anh Bùi Văn Song, Chủ nhiệm CLB thanh niên khởi nghiệp huyện cho biết: "Trước tiên mình phải phát huy nguồn vốn nội lực do các thành viên đóng góp vô để giúp thành viên CLB xoay vòng nguồn vốn. Bên cạnh cũng nhận được sự hỗ trợ tư Huyện đoàn, Ủy ban Hội huyện. Mỗi tháng họp định kỳ để triển khai nguồn vốn và hỏi thăm nguồn vốn hỗ trợ các bạn sử dụng như thế nào, có hiệu quả ra sao. Ngoài ra còn chia sẻ những kinh nghiệm trong công việc kinh doanh, sản xuất và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới".

Câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế” đã khai thác được tiềm năng, phát triển ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên tạo động lực khởi nghiệp
Mô hình sản xuất, kinh doanh của anh Đoàn Văn Tới ở ấp Tây Bắc xã Tân Hòa cũng được đánh giá cao, hiệu quả. Anh Tới là bộ đội phục viên khi về địa phương được sự hỗ trợ vốn của CLB khởi nghiệp thanh niên anh đã đầu tư trồng cây sầu riêng và mở cửa tiệm nhôm kính. Hiện nay cây sầu riêng đã cho thu hoạch được 2 mùa và cửa tiệm nhôm kính hoạt động hiệu quả đem lại nguồn thu nhập khá phát triển kinh tế gia đình. Anh Đoàn Văn Tới chia sẻ: "Từ khi tham gia CLB khởi nghiệp đã giúp cho em có thêm nhiều kiến thức từ các anh chị đi trước truyền lại để mình đúc kết kinh nghiệm áp dụng vào mô hình của gia đình. CLB rất đoàn kết thường xuyên chia sẻ giúp đỡ các thành viên nếu có khó khăn để các thành viên có khởi nghiệp thành công".
Không chỉ giúp đỡ đoàn viên thanh niên giảm bớt khó khăn về kinh tế trong cuộc sống, CLB thanh niên sáng tạo khởi nghiệp còn là nơi các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, tìm hướng làm ăn hiệu quả, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Sự thành công của các mô hình kinh tế trong Câu lạc bộ góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; hạn chế được tình trạng thanh niên rời quê đi làm ăn xa; đem lại hiệu quả cao góp phần phát triển kinh tế đối với bản thân, gia đình và xã hội. Chị Bùi Thị Thúy An, Bí thư Huyện đoàn cho biết: "Để phát triển phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đem lại hiệu quả, trong thời gian qua Huyện đoàn đã thành lập CLB thanh niên khởi nghiệp nhằm giúp cho các bạn có điểm sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong kinh doanh cũng như sản xuất. Bên cạnh Huyện đoàn cũng hỗ trợ nguồn vốn nhằm giúp các đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp".
Để giúp ĐVTN khai thác tốt các tiềm năng trong phát triển kinh tế tại địa phương, Huyện Đoàn đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên và đưa các thành viên CLB tham gia các lớp tập huấn do Tỉnh đoàn tổ chức. Bên cạnh đó CLB còn phát động các thành viên tham gia Cuộc thi Ý tưởng dự án khởi nghiệp do Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức với mục đích mong muốn các thành viên CLB được có cơ hội trao dồi, học hỏi thêm kinh nghiệp trong lập nghiệp, khởi nghiệp kết quả có nhiều ý tưởng dự án tham gia dự thi. Thực tế qua các hoạt động của CLB góp phần tạo niềm tin, sự phấn khởi cho ĐVTN, giúp cho cơ sở Đoàn, Hội trong huyện thu hút, tập hợp đông đảo ĐVTN tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội.
Trong thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn tích cực nắm tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên trong vấn đề phát triển kinh tế để có những định hướng, tư vấn cũng như phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, kinh nghiệm… tổ chức các chương trình tham quan, học tập mô hình kinh tế trong và ngoài huyện nhằm định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế tại địa phương.
Thông qua các hoạt động đồng hành của tổ chức đoàn đã khai thác được tiềm năng, phát triển ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên từ nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương, tạo động lực, truyền cảm hứng, niềm tin, ý chí và sự quyết tâm khởi nghiệp. Điều này cũng là minh chứng khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức đoàn trong đời sống thanh niên, để thời gian tới tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp./.
Ngọc Diệu - Chí Tâm