Mô hình du lịch nông nghiệp và du lịch hộ gia đình-Hướng đi mới cho nông dân
Hướng đi mới này hứa hẹn góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân tại địa phương. Nông nghiệp kết hợp du lịch là một loại hình du lịch dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đến với mô hình này, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động như tham quan cách trồng các sản phẩm nông nghiệp, thu hoạch trái cây hoặc rau củ, tìm hiểu về quá trình sản xuất nông nghiệp.
Vườn nho của anh Huỳnh Văn Hóa có diện tích 1.100m2 trồng hơn 400 gốc nho
Gần đây, trên địa bàn huyện có mô hình trồng nho ở ấp Xóm Cò, xã Nhơn Ninh. Tiếng lành đồn xa nhiều người biết đến để tận mắt tham quan vườn nho ở Nhơn Ninh. Anh Huỳnh Văn Hóa là chủ vườn nho chia sẻ: “Từ việc gia đình đều yêu thích trái nho, định mua vài dây về trồng thử không ngờ lại rất hợp đất phát triển tốt nên nhân rộng ra. Hiện nay gia đình có 400 gốc nho với 1.100m2 trồng các loại nho như: nho kẹo, nho Mỹ 152, Nho đỏ, nho xanh và đều đang cho trái”.
Hiện tại khi khách đến tham quan miễn phí và mua nho tại vườn từ 80.000-120.000đ/kg. Trồng với mục đích gia đình có sử dụng nên việc áp dụng phân bón, thuốc đều đúng định mức để tạo sản phẩm sạch. Do vườn để khách tự do đến tham quan không thu phí nên khách đến tham quan càng nhiều, nhất là thời điểm Lễ, Tết. Cây nho cho trái thu hoạch trong vòng 1 tháng và 1 năm thu hoạch được 3 lần.
Nho anh Huỳnh Văn Hóa trồng các loại như: nho kẹo, nho Mỹ 152, Nho đỏ, nho xanh và đều đang cho trái”
Anh Huỳnh Văn Hóa, cho biết: “Ngoài cây nho thì anh Hóa cũng có trồng cây sầu riêng được 3 năm, chôm chôm và táo thì cũng đã trồng. Được biết gia đình anh Hóa là một trong những gia đình nuôi yến đầu tiên của huyện, nên khách đến tham quan vườn nho có thể mua các sản phẩm yến của gia đình. Nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn dịch vụ cũng như nhu cầu của khách đến tham quan. Trong thời gian tới, gia đình sẽ đầu tư thêm vài căn chồi làm điểm dừng chân nghỉ ngơi cho khách thưởng thức nho và sẽ phục vụ thêm dịch vụ ăn uống, nấu các món đồng quê để khách thưởng thức”.
Đến tham quan vườn nho cùng gia đình em Ngô Trọng Đức học sinh trường Tiểu học xã Tân Bình rất vui và hào hứng chứng kiến từng chùm nho trĩu quả trên đầu, được đích thân hái trái và thưởng thức. Em Trọng Đức chia sẻ: “Con cảm thấy vô cùng thú vị khi ăn được những trái nho tự tay con hái và con muốn các bạn của con tới đây để thưởng thức những trái nho do chúng ta tự hái”.
Du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho nông dân mà còn là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện đại
Nhằm kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững, cũng như có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Trong đó, chú trọng các hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ; nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Ninh, Trần Văn Của, cho biết: “Nông nghiệp kết hợp du lịch là hướng phát triển mới của nông dân địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu; nông dân tận dụng khai thác sản xuất tại địa phương. Muốn vậy, cần phải xây dựng mô hình hiệu quả kinh tế trong nông thôn. Từ đó, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hướng tới xây dựng làng quê đáng sống”.
Vườn nho trĩu quả của anh Huỳnh Văn Hóa
Nông nghiệp kết hợp du lịch là mô hình không mới ở các địa phương khác nhưng lại là mô hình mới của huyện Tân Thạnh bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Trần Thanh Hiền, cho biết: “Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch hiện nay chủ yếu là tự phát với quy mô nhỏ, do hộ gia đình làm. Muốn duy trì mô hình lâu dài thì cần nguồn vốn đầu tư, xây dựng sản phẩm từ nông nghiệp phục vụ du khách. Bên cạnh đó, để mô hình phát triển bền vững, ngành chức năng và địa phương cần định hướng quy hoạch, có chính sách đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn. Sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch sẽ góp phần tăng thu nhập của người làm nông nghiệp”.
Để tạo sức hút đối với du khách, du lịch nông nghiệp cần gắn với bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp; đẩy mạnh mô hình sản xuất hiệu quả; cung cấp những hoạt động trải nghiệm độc đáo. Du khách có thể trực tiếp cùng nông dân sản xuất nông nghiệp, thu hoạch hoa quả và các sản phẩm khác. Du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho nông dân mà còn là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện đại. Đây là mô hình mở ra hướng đi mới rất khả quan cho nông dân. Rõ ràng, ngày nay nông dân không chỉ trông chờ vào con cá, cây lúa, mà còn biết cách làm giàu từ nhiều mô hình nông nghiệp du lịch trên thửa ruộng, mảnh vườn của mình./.
Ngọc Diệu - Chí Tâm