Vụ mùa này, toàn huyện xuống giống gần 28.000 ha. Đến nay, đã thu hoạch trên 20.000 ha; năng suất 6-7 tấn/ha (lúa tươi), thậm chí có những diện tích đạt 8 tấn/ha, còn lại trên 7.000 ha lúa đang ở giai đoạn sinh trưởng.
Những ngày này, không khí thu hoạch lúa Thu Đông năm 2024 trên địa bàn huyện sôi động hẳn lên. Máy gặt đập liên hợp hoạt động cả ngày lẫn đêm. Trên bờ, thương lái túc trực chờ mua lúa cho nông dân. Nông dân vui mừng vì lúa được mùa, được giá. Ông Ngô Văn Chẳn, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh vui mừng chia sẻ: "Năm nay tôi làm 3 mẫu. Hiện đã thu hoạch 1 mẫu, 1 mẫu là được 8 tấn, bán với giá 8.000 đồng/kg. Còn 2 mẫu nửa là chuẩn bị thu hoạch, mẫu thu hoạch vừa rồi lợi nhuận khoảng 35 triệu/mẫu. Còn miếng này tôi bán giá lúa cao hơn, nhít hơn một chút, thì cái miếng này lợi nhuận khoảng 40 triệu/mẫu. Năm nay vụ Thu Đông này, bà con nông dân mình, trúng mùa, trúng giá luôn rất phấn khởi”.
Niềm vui, sự phấn khởi của ông Chẳn cũng là niềm vui chung của nông dân Tân Thạnh khi nói về vụ lúa Thu Đông năm nay. Theo nông dân nơi đây, mấy năm qua chưa bao giờ vụ lúa Thu Đông nông dân vừa trúng mùa, được giá như vậy. Nguyên nhân đầu tiên giúp nông dân trúng mùa, được giá là vì thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, dịch bệnh ít, chi phí đầu tư thấp.
Đến nay, huyện đã thu hoạch trên 20.000 ha vụ Thu Đông; năng suất 6-7 tấn/ha (lúa tươi), thậm chí có những diện tích đạt 8 tấn/ha
Được biết, những năm trước, vụ lúa Thu Đông, ruộng lúa của bà con nông dân thường gặp tình trạng lúa đỗ ngã, tỉ lệ hạt lép nhiều, lúa ngã màu đen dẫn đến năng suất thấp, lúa bán không có giá. Nguyên nhân chủ yếu là nông dân sạ dày, cộng với thời tiết diễn biến phức tạp dẫn đến dịch bệnh trên cây lúa dễ phát sinh, gốc lúa không được to khoẻ nên khi gặp mưa lúa sẽ đổ ngã ngay. Cũng vì thế mà vụ Thu Đông năng suất lúa thấp, khoảng 5-6 tấn/hecta, thậm chí nhiều diện tích lúa chỉ đạt năng suất 4,5 tấn/hecta. Năm nào năng suất thấp và giá lúa không cao thì năm đó, bà con nông dân huề vốn, có khi còn lỗ công và chi phí sản xuất. Mấy năm gần đây, nông dân hiểu được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng 3 giảm, 3 tăng, 1 phải 5 giảm; tăng cường bón các loại phân hữu cơ; đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng từ khâu làm đất đến thu hoạch đạt trên 98%.
Trong đó, nông dân đặc biệt chú trọng đến việc sạ thưa, giảm lượng giống gieo sạ từ 180kg xuống còn 120kg/ha, có diện tích giảm còn 80-90kg/hecta. Đồng thời, nông dân còn sử dụng các loại giống lúa cấp xác nhận. Với những biện pháp canh tác lúa tiên tiến, hiện đại đã giúp cây lúa khoẻ ngay từ đầu vụ, hạn chế được dịch bệnh, giảm hạt lép, tăng hạt chắc, hạt lúa chín đều, sáng bóng,….
Cũng vì thế, nông dân giảm được chi phí sản xuất, không gặp tình trạng thương lái bẻ kèo, lúa bán có giá hơn, góp phần tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Do đó vụ Thu Đông năm 2024 tại Tân Thạnh năng suất bình quân đạt 8 tấn/hecta, giá lúa tăng cao hơn so với cùng kỳ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí nông dân lợi nhuận 30 triệu đồng/hecta tương đương với lợi nhuận của vụ Đông Xuân. Ông Nguyễn Minh Toàn, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh chia sẻ: "Tôi làm 5ha, trong đó phân nửa làm giống OM18, nửa 5451 làm ứng dụng công nghệ cao. Nếu so sánh ứng dụng công nghệ cao và ngoài mô hình thì ứng dụng công nghệ cao nhẹ chi phí hơn. 1ha giảm phân bón được gần 3 bao, giá mỗi bao khoảng 600.000 đồng tính ra mình giảm được 1.800.000 so với ngoài mô hình thì năng suất bằng hoặc cao hơn. Còn dịch bệnh thì nó giảm hơn rất là nhiều".
Vụ lúa Thu Đông nông dân vừa trúng mùa, được giá
Nói về việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Ninh-Ngô Văn Lên, cho biết: “Sản xuất truyền thống lợi nhuận không cao. Lý do bà con sản xuất theo truyền thống rải phân không theo liều lượng dẫn đến thừa đạm, sâu rầy nó tấn công làm ảnh hưởng đến năng suất. Đến thời điểm này trên địa bàn xã thì vụ Thu Đông nông dân thu hoạch tương đối khoảng 50%. Giá lúa thời điểm này tương đối cao, với giá cả này bà con rất phấn khởi”.
Ngoài sự chủ động từ nông dân, thì các ngành chuyên môn cùng vào cuộc bằng nhiều giải pháp thiết thực cụ thể, góp phần giúp nông dân có vụ mùa thắng lợi. Cụ thể, trong suốt thời gian cây lúa sinh trưởng, hàng tuần các kỹ sư nông nghiệp đều đi thăm đồng để kịp thời phát hiện dịch bệnh trên cây lúa, giúp nông dân phòng trừ sớm.
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện năm 2024, các đối tượng sinh vật gây hại trên cây lúa đều có xuất hiện và gây hại cục bộ, các đối tượng gây hại chủ yếu là bệnh đạo ôn lá, rầy phấn trắng, rầy nâu, bệnh cháy bìa lá, bệnh đạo ôn cổ bông, sâu đục thân, bọ trĩ và ngộ độc phèn. Tuy nhiên, diện tích nhiệm và tỉ lệ bệnh không đáng kể, không làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa. Tình hình tiêu thụ lúa đến thời điểm này tương đối thuận lợi. Nhưng do ảnh hưởng của bão số 3, 1 số diện tích không thu hoạch lúa đúng ngày đã hợp đồng nhận cọc với thương lái, gây ùn ứ cục bộ từ đó thương lái ép giá lúa, trong tuần giá lúa trong vùng giảm mạnh từ 400-700 đ/kg. Hiện tại giá lúa OM18, Đài Thơm 8, IR4625 giá từ 7.900-8.100 đồng/kg; IR50404, OM 380 giá từ 7.000-7.200 đồng/kg.
Hiện nay, tình hình khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, để quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất đảm bảo sản xuất lúa Thu Đông 2024 đạt thắng lợi và chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2024-2025. UBND huyện đã có công văn chỉ đạo sản xuất lúa Thu Đông năm 2024 và công tác quản lý mùa vụ sản xuất lúa trên địa bàn huyện Tân Thạnh. Tin tường rằng với sự quan tâm chỉ đạo sát của lãnh đạo các ngành, các cấp, sự tích cực hưởng ứng thực hiện của nhân dân, mùa vụ Thu Đông năm nay niềm vui, trúng mùa được giá hiện hữu trên từng cánh đồng./.
Ngọc Diệu - Chí Tâm