Đến nay, toàn huyện có 01 quỹ tín dụng nhân dân, 35 Tổ hợp tác và 21 Hợp tác xã. Trong 21 HTX, có 19 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, 02 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Tổng số thành viên tham gia mô hình quỹ tín dụng, hợp tác xã là 3.571 thành viên, tổng doanh thu khoảng gần 37 tỷ đồng. Doanh thu của Tổ hợp tác trên 12 tỷ đồng, doanh thu bình quân một tổ hợp tác là 343 triệu đồng/năm, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp.
Cùng với đó, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” cũng được quan tâm chỉ đạo. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, huyện có 12 sản phẩm được công nhận OCOP, đạt chất lượng 3 sao. Những sản phẩm OCOP đang dần khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường không chỉ đối với người tiêu dùng địa phương mà còn khắp cả nước.
Lãnh đạo huyện luôn tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển
Công tác hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT, HTX được đẩy mạnh. Theo đó, năm 2024, UBND huyện, các ngành chuyên môn huyện ban hành nhiều văn bản để triển khai, hướng dẫn, thực hiện nhằm nâng cao nhận thức các thành viên hợp tác xã, người dân trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của cấp trên về phát triển nông nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn huyện. Xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, tạo vùng nguyên liệu sản xuất quy mô lớn gắn với các ngành hàng chủ lực của huyện (cây ăn trái, lúa, gạo,…).Đồng thời, hỗ trợ phát triển liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Giám đốc HTX Tân Thịnh-Bùi Văn Song chia sẻ: "Các thành viên HTX đa phần còn trẻ rất có nhiệt quyết nhưng lại không có tự chủ được kinh tế nên gặp khó khăn trong huy động vốn. Mong ngân hàng hay Quỹ tín dụng có cơ chế phù hợp với việc cho vay vốn của các HTX, hiện nay muốn vay phải có thế chấp mà các thành viên HTX còn trẻ nhiều khi không được đứng tên sở hữu đất".
Huyện Tân Thạnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức các HTX tham gia Hội nghị tập huấn tại thị xã Kiến Tường về các nội dung: Thông tin Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Long An; Thông tin Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười; Hướng dẫn thực hiện Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15: Hướng dẫn thực hiện công tác báo cáo, tổ chức Đại hội thường niên HTX; Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý nhà nước về HTX và tìm giải pháp củng cố các HTX nông nghiệp.
Đến nay, toàn huyện có 01 quỹ tín dụng nhân dân, 35 Tổ hợp tác và 21 Hợp tác xã
Thông qua lớp đào tạo trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị hiểu và vận dụng điều hành hoạt động HTX đúng Luật Hợp tác xã 2023 hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tiễn, chủ động và thích ứng tốt trong quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ của cán bộ, thành viên HTX; cán bộ, thành viên trong các HTX cải thiện về công tác tổ chức điều hành, từng bước nâng cao chất lượng HTX với mô hình đa dạng, ngành nghề kinh doanh phù hợp, đưa kinh doanh của đơn vị đạt hiệu quả. Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình - Đặng Rô Săng chia sẻ về việc thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”: "Mục đích của việc thực hiện mô hình nhằm thay đổi nhận thức, tập quán của Người nông dân trong sản xuất lúa. Qua thực hiện thì thấy giảm lượng giống, phân bón hóa học tăng cường phân bón hữu cơ để tạo độ phù nhiêu cho đất, giảm thuốc BVTV, giảm chi phí sản xuất".
Nhìn chung, trong năm 2024 tình hình hoạt động của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn huyện mà nòng cốt là Hợp tác xã đã đang dần ổn định và có chiều hướng phát triển khả quan hơn trước. Một số hợp tác xã nông nghiệp đã từng bước khắc phục được khó khăn và tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc liên kết với doanh nghiệp và hộ nông dân, tạo ra các liên kết bền vững giữa các đối tượng tham gia chuỗi để tạo ra giá trị gia tăng, đồng thời từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc; tạo ra sản phẩm sạch, đạt năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các hoạt động quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường và chuyển đổi số được các Hợp tác xã quan tâm thực hiện.
Tin rằng trong thời gian tới nhận thức về kinh tế tập thể và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên. Các địa phương nên có biện pháp đẩy mạnh phát triển HTX như mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết với các loại hình kinh tế khác, tạo sự chuyển biến tích cực trong kinh tế tập thể, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của xã viên và cộng đồng dân cư,...khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường.
Ngọc Diệu - Chí Tâm